Tự gọi mình là “người nâng tầm phong cách sống”, NTK Quách Thái Công mong rằng mình có thể biến giấc mộng đẹp về cuộc sống thượng lưu đúng nghĩa của nhiều người Việt thành hiện thực, xuất phát từ sự hiểu biết về giá trị thẩm mỹ, cốt cách sang trọng tự nhiên và tư duy sáng tạo vượt giới hạn.
Quách Thái Công là một nhà thiết kế không gian nội thất nổi tiếng gắn liền với phong cách sống sang trọng. Tính cách thẳng thắn và bộc trực khiến cho những phát ngôn của anh thường được đem ra mổ xẻ, nhưng nếu đã gặp trực tiếp, bạn sẽ thấy những khía cạnh thú vị của nhà thiết kế này. Bước vào một không gian sang trọng với các món đồ nội thất đắt tiền làm người ta cẩn thận trong từng cử chỉ, nhưng bao quanh Thái Công là một bầu không khí vui vẻ và thoải mái. Nhà thiết kế là một người tử tế và lịch thiệp. Anh chủ động bắt chuyện với mọi người, thỉnh thoảng kể vài câu chuyện hài hước xoay quanh cuộc sống của mình, không chút xa cách.
Chào anh Thái Công. Bên cạnh danh xưng “nhà thiết kế triệu đô”, anh còn được biết đến với một cái tên thú vị khác là “nhà thiết kế với sự hoàn hảo 300%”. Bây giờ, quan niệm về sự hoàn hảo của anh có thay đổi gì không?
Tôi vẫn giữ quan niệm về “sự hoàn hảo 300%” vì đó là tiêu chí đảm bảo chất lượng sản phẩm của Thái Công. Chữ “hoàn hảo 300%” được tôi sử dụng cho sản phẩm nội thất nhiều hơn là một không gian nội thất.
Không gian chúng ta sống rất khó để đo lường, vì có người thấy đẹp nhưng người khác lại không thấy đẹp. Mà đôi khi, một người phải có hiểu biết, có kinh nghiệm, trải nghiệm, có kiến thức mới nhận ra được cái đẹp. Ví dụ, không phải ai biết tiếng Việt cũng có thể cảm nhận được cái hay của một đoạn văn, cũng như không phải ai cũng hiểu được giá trị của một bức tranh Picasso chục triệu đô. Đó cũng là lý do không ai nói rằng tranh của Picasso là một bức tranh hoàn hảo.
Sản phẩm thì khác. Một sản phẩm hoàn hảo có thể đo lường được ở 3 khía cạnh: Vật liệu, thiết kế, gia công. Với mỗi khía cạnh đó, chúng ta đều có thể quyết định được là nó có tốt hay không.
Như vậy, anh cho rằng không có không gian hoàn hảo nhưng có thể có sản phẩm hoàn hảo. Thế thì, liệu có thể có con người hoàn hảo hay không?
Tôi không tin rằng có người hoàn hảo ở trên đời. Mỗi người lại có những góc cạnh khác nhau và nhờ chính những góc cạnh đó mà cuộc sống của chúng ta trở nên thú vị hơn.
Tôi rất thích hình ảnh vòng tròn âm dương. Một bên là đen, một bên là trắng. Trong nửa bên đen có một chấm trắng, trong nửa bên trắng lại có một chấm đen. Nó tròn và luôn xoay đều, không có khởi đầu và không có kết thúc. Đó mới thực sự là cuộc sống. Nếu người nào cố gắng đuổi theo một cuộc sống hoàn hảo, tôi nghĩ là người đó đang tự làm khổ mình và rất khó cảm nhận được hạnh phúc.
Thế nhưng, theo quan sát của tôi, dường như anh luôn đặt ra tiêu chuẩn cao trong mọi việc mình làm.
Nếu đã làm cái gì, tôi luôn phải làm tốt nhất có thể trong khả năng của mình chứ không bao giờ làm nửa vời. Sự tỉ mỉ trong mọi việc đã là tính cách của tôi từ khi còn nhỏ.
Tôi cũng cho rằng chúng ta phải luôn tìm thấy mục đích và nghĩ về hướng đi tiếp theo trong những thứ mình làm. Một sản phẩm vừa được bán ra thị trường là hãng sản xuất đã phải nghĩ đến việc làm sao cho sản phẩm đó tốt hơn nữa, hoàn hảo hơn nữa. Ở Nhật, khi bạn mua một trái táo, người Nhật sẽ gói trái táo đó như một viên kim cương vậy. Chọn giấy mỏng ra sao, hoa văn trên giấy như thế nào, họ đều đặt rất nhiều suy nghĩ vào đó. Muốn thành công thì bên cạnh sự cố gắng, cần thường xuyên nhìn lại và tự hỏi bản thân rằng có cách làm nào tốt hơn không. Việc suy nghĩ về tính tối ưu khiến cho tôi luôn tìm thấy sự thú vị trong công việc. Phải luôn tiến tới, không bao giờ ngừng suy nghĩ và liên tục sáng tạo, nếu làm việc mà không suy nghĩ thì sẽ rất mau chán.
Cá nhân tôi cảm thấy anh rất đa năng, trong bất cứ lĩnh vực nào, anh cũng đều thể hiện sự xuất sắc vượt trội. Anh là một nhà thiết kế không gian và trang trí nội thất nổi tiếng, nhưng cũng có thể là một người truyền cảm hứng về phong cách sống trên YouTube, thậm chí anh còn tự vẽ tranh để treo trong showroom của mình nữa!
Đúng là tôi làm rất nhiều thứ. Tôi học thiết kế thời trang, tôi làm nhiếp ảnh gia, tôi ra mắt sách ảnh, tôi mở gallery, tôi làm nhà thiết kế không gian nội thất… nhưng cuối cùng, tất cả những việc tôi làm đều dựa trên một thứ duy nhất: Tính thẩm mỹ. Sự lựa chọn của tôi trong bất cứ lĩnh vực nào, dù là nội thất, thời trang hay âm nhạc, đều mang màu sắc riêng, thẩm mỹ riêng, dựa trên những kiến thức, trải nghiệm riêng. Nói đúng hơn, người ta đến đây là để mua tầm nhìn và con mắt thẩm mỹ của tôi.
Tuy nhiên, tôi không tự nhận mình luôn xuất sắc trong mọi lĩnh vực. Đối với việc làm phim trên YouTube, nếu một người có chuyên môn, có thể họ sẽ thấy Thái Công vẫn còn nhiều thiếu sót. Nhưng đối với công việc thiết kế nội thất, vốn đã là chuyên môn của tôi hai mươi mấy năm nay, bất cứ ai muốn phê bình những thứ tôi làm cũng nên có chuyên môn và kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Sự tỉ mỉ, chỉn chu và kỹ lưỡng tới mức khắt khe là một tính cách “signature” của anh. Tính cách này chắc chắn giúp anh đạt được kết quả đúng với mong muốn nhưng cũng sẽ mang đến không ít cản trở trong quá trình làm việc? Anh đã duy trì sự cầu toàn trong sáng tạo của mình như thế nào?
Tôi không thấy tính cách tỉ mỉ, chỉn chu của mình gây ra cản trở gì trong công việc. Chỉ là tôi luôn muốn tạo ra những không gian đẹp nhất, tốt nhất, nhưng đôi khi điều kiện thiết kế, thi công công trình ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Điều quan trọng là bạn phải nhìn ra được giới hạn và thực hiện tốt trong giới hạn đó. Chỉ những người chưa bao giờ làm thiết kế mới nghĩ tới những thứ bay bổng, cho rằng mình được thoải mái làm những gì mình thích. Điều đó rất sai lầm. Mỗi công trình tôi làm lại có những hạn chế riêng, nhưng sáng tạo được trong sự hạn chế đó là một điều rất thú vị. Nhiều khi càng hạn chế lại càng kích thích sáng tạo, càng hạn chế lại càng khiến chúng ta nhìn ra những con đường mới.
Thực sự thì tôi không phải người cầu toàn. Khi làm việc, tôi rất hạnh phúc, tôi yêu những thứ mình làm và cố gắng làm đẹp nhất có thể. Tôi thiết kế cuộc sống mà. Không gian sống phải tươi vui, thú vị. Còn chữ cầu toàn, tôi thấy nó hơi khắt khe, cứng nhắc, không phù hợp với cái nghề và cuộc sống của tôi.
Có thể người khác nhìn vào thì nghĩ tôi quá chỉn chu, nhưng tôi thì lại thấy bình thường. Quần áo tôi mặc cũng không có nhiều kiểu khác nhau, quanh đi quẩn lại cũng chỉ là suit, sơmi. Đó là cách sống của tôi trừ trước đến nay. Nó đã thành một thói quen. Mà khi đã thành thói quen thì mình không cần phải cố gắng. Đôi khi, có quá nhiều thứ để chọn lại khiến mình mệt. Tôi thích những cửa hàng quần áo có ít mẫu thôi, nhưng chất lượng phải tốt. Người ta gọi đó là “selective buying”, “curated shopping”. Nghề của tôi cũng vậy, tôi là một “curator” cho khách hàng của mình. Trong hàng ngàn sản phẩm, tôi phải chọn ra được những sản phẩm tốt theo thẩm mỹ riêng của mình. Khi sử dụng dịch vụ, tôi không thích phải lựa chọn quá nhiều.
Nhưng để có thể chọn thứ tốt nhất, có phải chúng ta cần “có điều kiện” trước đã?
“Điều kiện” mà bạn đang đề cập là “tiền” đúng không? Đó là một suy nghĩ rất sai lầm. “Tôi cần có tiền mới đi tìm cái tốt nhất được”, chỉ những người thiếu hiểu biết mới nói như vậy. Nếu bạn không có tiền mà lại đòi mua chiếc đèn Baccarat, tất nhiên đó là điều không thể. Vì sao? Vì bạn đang chọn phong cách không phù hợp với cuộc sống của bạn. Tại sao bạn chỉ có 100 ngàn đồng trong túi mà lại chọn đi ăn nhà hàng cao cấp? Thay vì vậy, nếu chọn ăn bánh mì, bạn có thể mua được ổ bánh mì ngon nhất. Thậm chí, bạn còn sang hơn người có 100.000 đô la mà không dám bỏ ra 100 ngàn đồng để ăn bánh mì như bạn. Quan trọng không phải là bạn có bao nhiêu tiền, mà là bạn xài tiền như thế nào.
Năm 20 tuổi tôi đã có nhà riêng, và tôi chọn một phong cách phù hợp với túi tiền của tôi. Chiếc xe hơi đầu tiên tôi mua là một chiếc xe hơi cũ chỉ có giá 2.200 mark (khoảng 30 triệu đồng) thôi, nhưng tôi trang trí lại nội thất bên trong xe, bọc lại ghế bằng vải nhung, ai cũng nói là rất đẹp và có gu. Bạn có thể mua quần áo của các hãng bình dân, nhưng nếu bạn có gu, bạn có thể phối cho nó trở nên đẹp. Còn nếu đã mua quần áo sang trọng thì bạn sẽ phải ưu tiên chất liệu, rồi sau đó mới tới cử chỉ, lối sống, cách đi đứng, nói năng sao cho phù hợp với cái áo của mình. Bây giờ bạn còn trẻ, bạn cứ theo đuổi phong cách phù hợp với tuổi của bạn, miễn là bạn có gu. Còn có nhiều người giàu hơn bạn 100 lần, nhưng ngồi trước mặt, tôi vẫn sẽ thấy quê. Chưa chắc mua đồ đắt tiền mặc vào đã đẹp.
Vậy, làm sao để sự sang trọng trở thành một sự tận hưởng chứ không phải những quy tắc phải tuân theo?
Như tôi đã nói ban đầu, nếu chúng ta luôn suy nghĩ kỹ lưỡng trong mọi việc mình làm, cuộc sống sẽ liên tục phát triển. Quan trọng là bạn lựa chọn lối sống nào và làm sao để trải nghiệm nó hằng ngày.
Trong thiết kế không gian nội thất cũng vậy. Người thiết kế một ngôi nhà xa hoa, lộng lẫy, sang trọng liệu có đang sống một cuộc sống sang trọng thực sự? Họ có thức dậy trên một chiếc giường thoải mái với drap giường màu trắng làm từ cotton Ai Cập? Họ có uống cà phê sáng bằng những chiếc ly sứ cao cấp? Một người chưa từng trải nghiệm sự sang trọng mà đi thiết kế những không gian sang trọng, bởi vậy mới cho ra những ngôi nhà sến súa, những ngôi nhà mà tôi gọi là nhà “bánh kem”, không thể chạm tới thẩm mỹ quốc tế.
Dường như anh đang có mong muốn truyền cảm hứng về phong cách sống thượng lưu cho người Việt Nam?
Đúng. Tôi muốn nâng tầm phong cách sống thượng lưu cho người Việt Nam vì tôi cũng tự hào mình là người Việt Nam. Tôi cảm thấy rất hổ thẹn khi người nước ngoài nhìn vào những ngôi nhà Việt Nam, cách sống của người Việt Nam và họ cười là “nouveau riche”, “new money”, những người có tiền mà không có thẩm mỹ. Tôi muốn giúp họ hiểu rằng thẩm mỹ được xây dựng dựa trên sự hiểu biết. Hiện nay, có những người có cả triệu đô để xây nhà nhưng chưa chắc hiểu được phong cách sang trọng mang thẩm mỹ vượt thời gian là như thế nào. Tôi muốn tạo ra những ngôi nhà mà 10 năm, 20 năm sau – khi xã hội đã phát triển, con người giàu trải nghiệm hơn, tinh tế hơn – nhìn lại vẫn thấy đây là những ngôi nhà đẹp.
Tuy nhiên, Việt Nam là một nước đang phát triển. Sẽ không tránh được việc người khác cảm thấy anh “ra vẻ”, “làm màu”.
Nếu bạn cần một tô phở ngon mà quán chỉ có 40 chỗ ngồi, bạn sẽ phải chấp nhận xếp hàng. Còn bạn vốn chẳng mặn mà gì với món phở, bạn sẽ nói rằng chủ quán quá chảnh. Những người đến tìm tôi, họ cần một không gian có thể giúp con họ lớn lên với một phong cách sống tinh tế và hiểu biết, có sự phát triển về mặt văn hóa, giúp cho gia đình vui vẻ, hạnh phúc và thoải mái hơn. Còn những người hay phán xét có thể là những người chẳng bao giờ bỏ tiền, thậm chí không có cơ hội sử dụng dịch vụ của chúng tôi.
Anh hẳn phải có con mắt rất tinh tường mới có thể phân biệt được sự hào nhoáng ở bên ngoài và giá trị thực sự ở bên trong. Khách hàng của anh cũng từng nói rằng anh có thể nhận ra phong cách sống của họ ngay từ lần đầu gặp mặt. Làm sao anh có khả năng này?
Con người chúng ta có 2 loại trí thông minh là IQ và EQ. Có thể tôi có một chút năng khiếu ở trí thông minh cảm xúc. Muốn thành công trong công việc hay trong xã hội thì bạn không thể chỉ thông minh về trí tuệ mà còn cần thông minh cảm xúc nữa.
Có vẻ anh làm chủ cảm xúc của mình rất tốt, vì dù luôn tất bật với lịch trình dày đặc nhưng anh vẫn giữ được sự thoải mái trên gương mặt. Bí quyết của anh là gì?
Bạn phải biết bao nhiêu là đủ. Nếu bạn không biết đủ mà cứ đuổi theo các mục tiêu, bạn sẽ chẳng bao giờ giữ được sự thoải mái trên gương mặt của mình.
Nếu anh đã thấy đủ rồi thì sao anh phải liên tục hướng đến những đỉnh cao mới?
Vì tôi đam mê nghề nghiệp. Tôi nghĩ hạnh phúc trong cuộc đời được tạo nên từ nhiều thứ, và một trong những điều tạo nên cuộc sống hạnh phúc của tôi chính là làm việc. Nếu chúng ta sống mà không tạo ra một giá trị gì đó thì giống như một tô phở không tròn vị vậy. Nếu hỏi tôi có hạnh phúc hay không, tôi sẽ nói rằng tôi là một người rất rất hạnh phúc. Một cuộc sống trọn vẹn đối với tôi bao gồm: Có một người đồng hành, có sức khỏe và có đam mê. Tôi rất hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình.
Tôi chỉ đang luyện một thứ mà nếu được thì có lẽ tôi sẽ hạnh phúc hơn nữa, đó là luyện cho mình bớt sợ đi.
Anh có nỗi sợ ư?
Ai không có nỗi sợ? Mỗi người lại có một nỗi sợ khác nhau. Người đang có chức cao thì sợ bị xuống chức. Người đang có tiền nhiều thì sợ bị mất tiền. Người có vợ đẹp thì sợ vợ đi theo người khác. Tuy nhiên, tôi không có những nỗi sợ như vậy. Nếu bạn có càng nhiều mà lại càng lo lắng thì cuộc sống đâu còn ý nghĩa gì nữa. Thậm chí tôi còn chẳng sợ chết. Có lẽ tôi hay lo sợ về những chuyện không xảy ra thì đúng hơn.
Ví dụ như khi tôi và bạn trai đi du lịch mà bị kẹt lại ở hải quan, thay vì tận dụng thời gian chờ đợi để cùng nhau trò chuyện hay suy nghĩ về chuyến du lịch, tôi lại lo lắng đủ thứ: Vali của mình có bị mất hay không? Tôi sẽ phải chờ bao lâu nữa? Việc này có ảnh hưởng đến kế hoạch của chúng tôi hay không? Những nỗi sợ mơ hồ khiến tôi trở nên bực mình và lãng phí thời gian để lo lắng, trong khi cuối cùng mọi chuyện đều rất tốt đẹp. Rõ ràng, nếu chúng ta bỏ được những suy đoán và lo xa đi thì cuộc sống sẽ thoải mái và hạnh phúc hơn rất nhiều.
Là một người sống cảm xúc như vậy, có món đồ nào anh luôn mang theo bên mình vì câu chuyện đặc biệt của nó không?
Không. Tôi không bị phụ thuộc vào vật chất. Đồ đạc tôi mua là để dùng, để hưởng thụ chứ không gán cho nó một kỷ niệm gì cả. Nếu tôi muốn giữ kỷ niệm về ba má thì tôi chỉ cần nhớ về họ chứ không phải dựa vào thứ gì mà họ để lại cho tôi. Ký ức luôn được tôi lưu giữ ở trong tim.
Hình ảnh của Thái Công luôn gắn liền với phong thái lịch lãm và sang trọng. Bên cạnh suit và đồng hồ cao cấp, tôi thấy có một phụ kiện không bao giờ rời khỏi anh, đó là mắt kính. Thậm chí, anh còn sở hữu một bộ sưu tập mắt kính và luôn thay đổi theo trang phục mỗi ngày. Món phụ kiện này có ý nghĩa như thế nào đối với anh?
Tôi rất thích mắt kính. Tôi cần mắt kính để đọc sách, xem điện thoại, không có không được. Mắt kính của tôi là mắt kính đa tròng, nhìn xa hay gần đều được, lại có thể đổi màu thành kính mát khi ra ngoài trời, rất tiện.
Tôi khá kỹ tính trong việc lựa chọn mắt kính. Có hai kiểu dáng mà tôi rất thích. Thứ nhất là kính kiểu dáng pilot (phi công). Tôi thấy ai đeo mắt kính pilot nhìn cũng “sexy” hết. Một chiếc kính mát pilot màu gradient, đậm ở trên và nhạt dần xuống dưới, trông sẽ rất bắt mắt. Thứ hai là kính gọng to và dày. Gọng càng to thì khiến cho đôi mắt càng thêm ấn tượng.
Mắt kính là một món phụ kiện rất thú vị, chỉ có gọng và tròng thôi nhưng có thể biến hóa thành vô vàn thiết kế khác nhau. Chỉ thay đổi một chi tiết nhỏ, gọng dày hay mỏng, tròn hay dẹp, thẳng hay xéo là đeo lên đã khiến khuôn mặt trông khác đi rồi. Vì vậy, phải có con mắt tinh tế lắm mới có thể nhìn qua là biết mắt kính có phù hợp với mình hay không.
Varilux là thương hiệu kính đa tròng số một thế giới từ tập đoàn Essilor (Pháp), dành cho mọi người sau tuổi 40 gặp các vấn đề khó khăn khi nhìn gần do quá trình lão hóa của mắt. Varilux mang lại tầm nhìn tự nhiên, thoải mái trong mọi khoảng cách và mọi điều kiện ánh sáng, trả lại thị lực rõ nét và phong độ trẻ trung cho người đeo. Là một sản phẩm công nghệ vượt trội với 70 bằng sáng chế, là thành tựu của hơn 500 nhà nghiên cứu, kính đa tròng Varilux được hàng trăm triệu người tin dùng trên toàn thế giới từ năm 1959.
Nguồn: ELLE Vietnam