Hơn 30 năm sống và làm việc ở Đức, đứng trong hàng ngũ những nhà thiết kế tên tuổi, Thái Công từng thổ lộ: “Một ngày nào đó, tôi muốn trở về phục vụ khách hàng Việt, tạo những mẫu thiết kế nội thất ấn tượng trên quê hương Việt”. Và ngày đó đã đến.
Thực hiện LÊ DUY LINH – NGUYỄN ĐÌNH Hình ảnh TƯỜNG HUY
Phòng khách pha trộn phong cách mang dấu ấn 2 thời kì thuộc Pháp và Mỹ, đôi ghế Elda đặc trưng thời Mỹ trước 1975 của nhà thiết kế Joe Colombo. Các cửa được mở rộng terrace bên hông toà nhà. Chủ nhà Thái Công trên chiếc sofa yêu thích, một sản phẩm làm tay từ Pháp. Các bức vẽ deco trên tường mang phong cách Mỹ hòa cùng đồ nội thất Pháp.
Trong không gian kiến trúc đậm chất Đông Dương, những món đồ nội thất anh chọn để đặt vào đó đã tái hiện một quãng lịch sử xuyên suốt mà ngôi nhà đã từng trải qua.
Ở Đức, ngoài công việc thiết kế, Thái Công thường tư vấn cho khách hàng làm thế nào để trang trí một ngôi nhà trở thành hoàn hảo. Thái Công chia sẻ: “Điều quan trọng trong việc thiết kế nhà cửa là làm sao mỗi căn phòng đều ẩn chứa một câu chuyện của riêng mình, phải chạm đến cảm xúc của con người là mục tiêu hàng đầu”. Nhìn vào những không gian mà Thái Công từng thiết kế, người ta thấy ở đó những mảng miếng của không gian mang tính đa năng, thanh lịch, cách tân và giữ được tinh thần của thời gian trong mỗi thiết kế dù lớn hay nhỏ. Tiêu chí luôn được anh lựa chọn là cố gắng làm hài lòng khách hàng đến từng chi tiết nhỏ nhất.
Với tinh thần thiết kế đó, ngôi nhà của Thái Công cũng đã kể một câu chuyện rất riêng, cái riêng của người chủ nhân với con mắt nhà nghề và thị hiếu thẩm mỹ tinh tế.
Anh đã rất cẩn trọng trong từng chi tiết, đường nét trong suốt quá trình phục dựng vẻ đẹp nguyên mẫu của ngôi nhà, từ cách anh làm lại tất cả các cánh cửa đã bị thay đổi qua nhiều đời chủ nhà khác nhau dựa trên những cánh cửa gốc còn sót lại, đến việc nền nhà được lát gỗ bản lớn, kiểu sàn gỗ của những biệt thự Pháp xưa, hay cách anh phối kết một cách tinh tế những diềm trần, gờ chỉ theo mẫu của kiến trúc những năm 1920. Không thể không nhắc đến nội thất của phòng khách này, nơi anh đã dành sự chăm chút rất lớn cho từng chi tiết, từng món đồ trang trí hay thảm trải sàn. Từ những chiếc bàn góc được làm thủ công, mạ vàng 18 carat được sản xuất cùng thời với ngôi nhà, đến chiếc bàn nước hay ghế sofa có kiểu được thiết kế vào những năm 1960-1970 vốn đã trở thành những biểu tượng nội thất, hay điểm nhấn của cả gian phòng là chiếc đèn Baccarat được đặt vào một cách trang nhã.
Mở cửa, một hành lang dài được trải thảm đỏ xuyên suốt từ phía trước ra phía sau nhà. Đây là một trong những không gian tâm đắc nhất của chủ nhân, bởi nó thể hiện được sự trang trọng và đem lại cảm giác được chào đón.
Có thể thấy, điểm dễ nhận trong mỗi thiết kế của Thái Công chính là sự hòa trộn của hai nền văn hoá Á – Âu, với những không gian được sử dụng các gam màu đa dạng, kết hợp với sản phẩm thiết kế mang tính thủ công, cùng lối thể hiện đường nét, sắp đặt bố cục với mảng miếng hiện đại, tạo điểm nhấn cảm xúc. Vị trí đặc biệt của ngôi nhà, cộng với giá trị lịch sử của nó, chính là một trong những lý do anh chọn để dựng lên cho mình “một nơi chốn đi về”. Bởi theo anh, thật khó để có thể tìm thấy được ở những ngôi nhà mới xây, dù là theo lối kiến trúc nào và ở đâu tại Sài Gòn, một vẻ đẹp hoàn hảo và trường tồn như những ngôi biệt thự kiểu Colonial nguyên thủy. Vị thế khiêm nhường của một ngôi nhà trong hẻm, với khoảng lùi lý tưởng giúp anh có được một “góc chiêm ngưỡng ” trọn vẹn, đầy đủ hơn nếu so với những ngôi biệt thự nằm ngay trên mặt phố.
Với ý tưởng biến ngôi nhà thành một kiểu nhà nghỉ miền Nam nước Pháp, tuy nhiên trên tinh thần tôn trọng kiểu thức nguyên mẫu của ngôi nhà, anh đã không cố gán ghép vào đây một kiểu sảnh đón như các biệt thự ở Pháp quốc, mà tôn tạo hành lang có sẵn để biến nó thành một không gian trung tâm kết nối toàn bộ các khu vực khác của ngôi nhà, với
một phòng khách rộng rãi bên tay phải, một thư phòng ấm cúng bên trái, cầu thang gỗ dẫn lên tầng lầu và kết thúc hành lang, nơi ánh mắt khách thăm được chào đón bằng một gian bếp mở ra không gian hồ bơi. Chạy dọc suốt chiều dài của hành lang, bên phải là phòng khách và phòng ăn kết hợp chung trong một, và từ phòng khách này có thể bước tiếp ra khu vực bar và lounge ngoài trời.
Khi đặt chân lên lầu, ta bước vào một không gian khác, hoàn toàn tuyệt đối riêng tư với những hành lang nhỏ gợi cảm giác tò mò như thể đang lạc vào một lâu đài thu nhỏ. 3 phòng
ngủ, bao gồm phòng của chủ nhân và 2 phòng dành cho khách, được trang hoàng theo những chủ đề khác nhau nhưng thống nhất trong ngôn ngữ thể hiện. Nếu như phòng ngủ của chủ nhà với tông màu xanh ngọc tươi trẻ thì phòng ngủ dành cho khách nam có tường với giấy dán kẻ sọc ngang mạnh mẽ, và phòng ngủ khách nữ toát lên vẻ mềm mại với tường in hoa trên nền xanh hồ thủy. Tương tự như thế, đồ nội thất trong các phòng cũng mang dáng vẻ khác nhau, từ nét đĩnh đạc trang trọng với những bàn ghế mạ đồng và vàng trong phòng ngủ chủ nhân, đến đồ trang trí bằng da, ngà và sừng với đường nét vuông vắn chắc khỏe của phòng ngủ khách nam hay toàn bộ đồ gỗ màu đỏ nồng nàn với đường nét mềm mại kiểu Louis của phòng ngủ nữ, đều nói lên sự tinh tế và cẩn trọng trong việc phối hợp chúng vào không gian nội thất của chủ nhà.
Một lần nữa, câu chuyện được kể ở đây là nét cổ kính, lịch lãm mà vẫn không kém phần hiện đại, lồng trong bối cảnh ngôi nhà đã từng là chứng nhân của hàng chục năm lịch sử, với nhiều biến đổi của những thời kỳ khác nhau. Đó chính là cảm hứng chủ đạo và xuyên suốt của Thái Công. Dưới bàn tay phù phép của anh, ngôi nhà giờ đã trở nên có hồn hơn, sống động và cá tính hơn trong câu chuyện tự kể của mình.
khi bước chân lên lầu, ta lạc vào một không gian khác, tuyệt đối riêng tư với những góc bí mật, những cánh cửa vô hình được chủ nhân cố tình làm chìm lẫn vào tường, hay hành lang nhỏ gợi cảm giác tò mò như thể đang lạc vào một lâu đài thu nhỏ.
Với Thái Công, khi đặt bút vẽ, thì cảm hứng của anh là tổng hòa các yếu tố không gian cộng với Tính cách của Chủ nhân, và như thế, nội thất của căn nhà phải là một câu chuyện kể bằng không gian, đường nét, màu sắc và cũng như tâm hồn của người chủ.
Điểm cuốn hút tiếp theo của ngôi nhà chính là những không gian ngoài trời, nơi theo Thái Công sẽ là chỗ được yêu thích nhất trong những ngôi nhà nghỉ nhiệt đới. Đó là khu vực bar để anh gặp gỡ bạn bè, góc ngồi thư giãn đọc sách trong vườn, hồ bơi với gạch lát màu xanh ngọc thạch như màu cây lá và được nhấn bằng bộ sofa ngoài trời với nệm đỏ như màu của những loài hoa nhiệt đới. Đó còn là gian bếp hoàn toàn mở theo kiểu nhà nghỉ vùng Provence hay Cote D’Azur (Bờ biển Ngà) miền Nam nước Pháp. Gian bếp với mái ngói không đóng trần, đá cẩm thạch trắng tinh khiết và góc nhìn hướng ra hồ bơi, là nơi anh chia sẻ sở thích nấu nướng và gu ẩm thực tinh tế với bạn bè.
Trái với hình dung về nội thất của một ngôi nhà thuộc điạ, những gì thuộc về “phần hồn” của ngôi nhà được Thái Công thổi vào đó một sức sống rất tân kỳ, diễm lệ, một kiểu “Petit Château” (lâu đài nhỏ) theo cách nói của anh.
Có thể, với giới thiết kế ở Việt Nam, anh vẫn là một tên tuổi mới mẻ, vì thời gian trở về của anh cũng chỉ vừa đúng bằng thời gian thiết kế và trùng tu lại ngôi nhà. Tuy nhiên, tại Đức và châu Âu, Quách Thái Công – người sáng lập Thái Công Interior Design – đã là một cái tên vô cùng quen thuộc vì các công trình của anh xuất hiện thường xuyên trên những tạp chí chuyên ngành nổi tiếng. Chắc hẳn, trong lần trở về Việt Nam này, anh sẽ còn đưa phong cách thiết kế lịch lãm, gout cảm thụ tinh tế, tuyệt vời của mình vào nhiều công trình khác nữa tại quê hương.