Có rất nhiều địa điểm thú vị và phổ biến nhưng chưa đúng thời điểm vì chúng nằm ngoài khả năng về thời gian hoặc tài chính, nên lựa chọn những điểm đến thích hợp với bản thân hơn. Với một khoản chi phí khiêm tốn, có lẽ không nên chọn một nơi đắt đỏ như Monaco, London, Venice, St. Barth, Mykonos… để rồi trở thành một vị “khách hàng rào” chỉ được ngắm nhìn từ bên ngoài chứ không thể tận hưởng thực tế bên trong vì một đêm trong khách sạn hoặc một bữa ăn có thể bằng cả một chuyến du lịch. Để tránh tình huống phải “bào chữa” cho sự thiếu hụt điều kiện từ những nhu cầu “sang chảnh” của người yêu, vợ hoặc con cái thì tốt nhất đừng nên chọn những địa điểm này để đến. Thay vào đó, cũng cùng một ngân sách, chúng ta hoàn toàn có thể tận hưởng một kỳ nghỉ “xa xỉ” với ẩm thực phong phú, phong cảnh kỳ vĩ và văn hóa không kém phần độc đáo ở đất nước nào đó gần hơn hoặc không phổ biến lắm.

 

Với kỳ nghỉ tại châu Phi, trên chuyến tàu lửa Oriental Express đi xuyên qua đồng cỏ mênh mông và cảnh quan ngoạn mục của thiên nhiên từ Cape Town đến Johannesburg, ngoài những trang phục và phụ kiện thoải mái, cần chuẩn bị những bộ suit lịch lãm, có thể phối ghile cho những bữa tối trang trọng cùng những người bạn đồng hành trên tàu.

 

Hầu như, nhiều người lần đầu đi Paris đều chọn đến tháp Eiffel. Thế nhưng, bạn phải chứng kiến sự xô bồ giữa hàng ngàn khách du lịch chen chút, những âm thanh hỗn loạn giữa hàng trăm tiếng nói và những lời chào mời từ những người bán đồ lưu niệm, bạn phải mất 4-5 giờ để xếp hàng cho hành trình lên tháp. Bên cạnh đó, phần lớn những món đồ chơi nhỏ như tháp Eiffel nhựa màu, móc khoá và hàng trăm đồ lưu niệm khác đều không liên quan đến văn hoá bản địa thực sự, mà lại được nhập từ các nước như Trung Quốc, Ấn Độ… Đây sẽ là những hình ảnh dễ làm du khách thất vọng, hoang phí và tiếc nuối cho thời gian và tiền bạc cho hành trình đến Pháp.

Thay vì chạy theo trào lưu và số đông, phong cách và cá tính của mỗi người được thể hiện ở cách chúng ta biết chọn “ lối đi riêng” để thưởng thức văn hóa bản địa trọn vẹn hơn. Trường hợp với Pháp, để cảm nhận một lối sống lãng mạn, thanh lịch nổi tiếng của các “Parisian” – một cách chân thật nhất, tôi gợi ý hãy ngồi ở một quán café ven đường, thưởng thức một tách Café au lait nóng, cùng một chiếc bánh croissant và thong thả ngắm nhìn nhịp sống đang diễn ra tại “kinh đô ánh sáng”. Tôi chắc rằng hương vị cà phê và chiếc bánh croissant sẽ mang đến cho chúng ta nhiều chất “Paris” hơn cả việc phải đặt chân đến tháp Eiffel. Một cách khác để thưởng ngoạn trọn vẹn thủ đô nước Pháp đó là thong dong trên con phố St Germain des Prés, khám phá và tự tìm cho mình những cuốn sách yêu thích từ những cửa tiệm sách truyền thống đã có hàng trăm năm tuổi. Hoặc là có thể để mình trầm ngâm trong những phòng tranh nghệ thuật khiêm tốn. Điều này có khi còn thú vị hơn rất nhiều so với việc phải chen chút xếp hàng để vào bảo tàng Louvre, nơi mà lúc nào cũng đông nghịt và quá tải vì du khách. Có đôi khi, cái đẹp của một thành phố không nằm ở những nơi luôn được ca ngợi mà lại được thể hiện ở những điều bình dị nhất nhưng lại mang theo linh hồn văn hóa địa phương một cách rõ ràng nhất.

 

 

Đôi khi tôi tò mò tự hỏi rằng nếu đến Paris chỉ để sở hữu một bức hình “check-in” với tháp Eiffel rồi về, thì liệu việc ghé thăm những địa danh nổi tiếng ấy còn ý nghĩa cho một kỳ nghỉ để tận hưởng và trải nghiệm văn hoá nữa hay không?
Câu hỏi này cũng đồng thời mở ra nhiều vấn đề khác xoay quanh việc đi du lịch ngày nay. Hiện ngày càng có nhiều hãng lữ hành muốn thúc đẩy doanh số bằng các quảng cáo và khuyến mãi như “Khám phá 6 nước châu Âu chỉ trong một tuần”. Đây có thể gọi là kiểu “du lịch mì ăn liền” hay “du lịch hành xác”. Tôi không đồng tình với cách du lịch như vậy vì những tour du lịch kiểu này có thể khiến bản thân du khách không những không tận hưởng được kỳ nghỉ, không nhận được giá trị thực sự của chuyến đi mà có khi còn mang thêm sự mệt mỏi cho bản thân.

Ảnh chỉ là ảo ảnh!

Với tốc độ lan tỏa của internet, có lẽ chúng ta có quá nhiều ảo tưởng tốt đẹp về điểm đến do được tô vẽ bởi truyền thông và các trang mạng xã hội. Thực tế, nếu chúng ta thăm Rom, Venice, Santorini… hiện giờ bị vây quanh bởi hàng trăm ngàn du khách cùng lúc và chìm trong rác thải và xuống cấp nghiêm trọng. Kể cả ở Việt Nam, những địa danh nổi tiếng như Vịnh Hạ Long cũng đối mặt nguy cơ ô nhiễm và ảnh hưởng cảnh quan vì số lượng lớn tàu thuyền và du khách. Phố cổ Hội An cũng đối mặt tình trạng quá tải du khách và bị mất đi ít nhiều bản sắc vì tràn ngập cửa hàng và quà lưu niệm được làm theo kiểu sản xuất hàng loạt!

Tháng 6.2019, hãng CNBC đã từng xuất bản một bài phân tích của nhà báo Harriet Baskas về việc ngày càng có nhiều nước trên thế giới từ Tây sang Đông đang thực hiện nhiều chính sách nhằm chống lại tình trạng du lịch quá tải. Nhiều cư dân bản địa tại tại Tây Ban Nha, Ý, Peru, Bhutan… cũng phản đối tình trạng quá tải du khách, đặc biệt là những tour giá rẻ đông đúc cùng với nhiều du khách thiếu trách nhiệm gây ra tình trạng ô nhiễm, đe dọa di tích, cảnh quan và nhiều công trình lịch sử.

 

Khoảnh khắc ít chen lấn hiếm hoi ở bảo tàng Louvre – Pháp vào thời điểm đầu giờ trưa. Với diện tích 210.000 m2, Louvre là bảo tàng lớn nhất thế giới được xây dựng từ năm 1190, cũng là bảo tàng đầu tiên trong lịch sử có hơn 10 triệu lượt khách tham quan năm 2018.

 

Với lượng du khách khổng lồ như tại Venice khoảng 20 triệu du khách/năm trong khi cư dân bản địa chỉ khoảng 261.000 người; Paris có 17 triệu du khách/năm trong khi cư dân bản địa chỉ khoảng 2,1 triệu người và Amsterdam đón khoảng 19 triệu du khách/năm trong khi số lượng cư dân của thành phố chỉ 1 triệu người (dữ liệu của Hội đồng du lịch và lữ hành thế giới – WTTC và Wikipedia), những thành phố xinh đẹp này không còn giữ được vẻ đẹp lịch lãm, lãng mạn biểu tượng của mình như những gì chúng ta từng biết.

Không còn những con đường nhỏ nên thơ, những công viên ngập hoa vắng người, tôi chứng kiến Venice đang “thoi thóp” trong sự tàn phá bởi biển người. Không những vậy, đi cùng với sức lan tỏa của mạng xã hội, mà trong lĩnh vực du lịch là ứng dụng Instagram; sự “sống ảo” như hình ảnh cô gái ngồi thuyền Gondola trên kênh đào Venice vắng vẻ hoặc hình ảnh hoang sơ của chùa dát vàng Kinkaku-ji ở Kyoto… hoàn toàn phi thực tế. Sự thật cho thấy đó chỉ là sự cố gắng bắt lấy khoảnh khắc giữa hàng ngàn du khách chen lấn xung quanh. Thêm vào đó là những bài “reviews” của các travel bloggers không liên quan nhiều đến phong cách du lịch thực tế, mà đó chỉ như những chuyến đi công tác để chụp hình và lên bài.

 

Một đoạn đường vắng thơ mộng gần hồ Como –Ý vào mùa thấp điểm. Vào mùa cao điểm những con đường này sẽ gần như đông nghịt khách.

 

“Hạnh phúc không phải là đích đến mà là cả một hành trình”

Làm thế nào để du lịch có phong cách? Phong cách được quyết định bởi kiến thức, văn hoá, trải nghiệm, kết hợp cùng cảm nghĩ của bản thân tạo nên cái gout riêng của mỗi người. Và với việc đi du lịch, phong cách thể hiện ở cách hưởng thụ và trải nghiệm điểm đến. Do vậy, du lịch có phong cách không phải là chọn điểm đến nổi tiếng hay ăn ở sang trọng mà đó phải là việc biết cách hưởng thụ đúng với những gì bản thân xứng đáng. Vì thế, tôi cho rằng “Travel in style” không chỉ dành cho người giàu có, mà bất cứ ai cũng có thể sở hữu phong cách du lịch, chỉ cần bản thân có gout riêng, hiểu rõ mình muốn gì, thích gì và biết cách lựa chọn những điều đó trong khả năng cho phép. Những trải nghiệm trọn vẹn cùng với nhiều yếu tố khác sẽ tạo nên cuộc hành trình, đó mới chính thực sự là một “điểm đến” hoàn hảo. Như một câu nói trong Phật giáo:

“Hạnh phúc không phải là đích đến mà là cả một hành trình”.

TIP: Kỳ nghỉ trọn vẹn với 3 “KHÔNG”
Du lịch có phong cách trong thời buổi hiện nay sẽ ra sao? Với tôi, tận hưởng chuyến du lịch một cách trọn vẹn nhất gồm có 3 chữ “KHÔNG”, được áp dụng cho mọi kì nghỉ: “không đi vào mùa cao điểm; không ở một nơi ít hơn 4-5 đêm và không lựa chọn những điểm đến quá phổ biến”. Hai lựa chọn đầu là để đảm bảo cho bản thân có đủ thời gian và không gian để tận hưởng điểm đến một cách trọn vẹn nhất. Và chữ “không” cuối cùng là cách tôi khuyến khích chọn để chúng ta bước lùi lại nhưng vẫn có thể cảm nhận điểm đến nhiều hơn và sâu sắc hơn.