LUXUO  |  13 Sep 2019
Trò chuyện cùng NTK nội thất Quách Thái Công

Sau chuyến du lịch trên du thuyền ở Hy Lạp xinh đẹp, NTK nội thất Quách Thái Công trở về Sài Gòn và giờ đây, tiếp chúng tôi trong showroom nội thất sang trọng tọa lạc ở khu Thảo Điền, quận 2. Là người đàn ông hết sức duy mĩ, Thái Công bất ngờ tiết lộ bí mật chưa ai biết về mình, ấy là ngoài vẻ nghiêm túc sang trọng mà đám đông nhìn thấy, anh còn là chàng nghệ sĩ có đầu óc khôi hài.

“Là một người không chỉ lên báo tiếng Việt nhiều mà còn báo nước ngoài, còn điều gì ở Thái Công mà chưa ai có dịp khai thác?” Thái Công mỉm cười: “Tôi nghĩ là khiếu hài hước. Nhân viên ở công ty bị tôi chọc hoài, cứ chọc đã rồi mới làm việc. Mà chí ít, tôi cũng hài hước nhất ở trong showroom này”. NTK nội thất bật cười.

Quách Thái Công không chỉ nổi tiếng với những công trình nội thất sang trọng mà anh còn mang cả phong cách ấy vào cuộc sống của mình. Từ Hamburg, anh trở về Sài Gòn mở showroom nội thất hoành tráng ở thời điểm thị trường đang có xu hướng đi lên. Lần này, cuộc đối thoại giữa chúng tôi ngoài tập trung vào câu chuyện thiết kế nội thất còn muốn mang độc giả bước vào phong cách sống riêng của NTK.

Chào anh Quách Thái Công! Tôi vừa khám phá ra một điều thú vị là gia đình họ Quách vốn rất nổi tiếng trong giới thượng lưu Sài Gòn trước năm 1975. Liệu điều này có ảnh hưởng như thế nào đến phong cách sống của Thái Công sau này?

Thật thế, gia đình họ Quách là gia đình đầu tiên mở salon tóc chuyên nghiệp trước năm 1975, hiện tượng này khiến giới thượng lưu ngạc nhiên và giới bình dân khi ấy còn lạ lẫm. Má tôi hồi xưa đã biết đi xe hơi. Ở độ tuổi lên 5, tôi được má chở vòng quanh con đường Đồng Khởi đến chợ hay trước cửa tiệm nhà người ta. Sinh trưởng trong gia đình tương đối khác với số đông, tôi nhanh chóng nhìn mọi thứ ở góc độ duy mĩ hơn.

Trước khi chuyển sang Đức sống vào năm 1981, ba má tôi là chủ sở hữu của nhà sản xuất dầu gội đầu và keo xịt tốc Lê Lang 999. Ba tôi đặt thêm ba con số “999” để người ta nhớ vì thời đó, số lượng người biết đọc chữ khiêm tốn hơn thời này nhiều. Thời điểm sang Đức định cư, tôi 9 tuổi. Lúc ấy, tôi đã đam mê bố trí và bày biện trong phòng mình. Ở độ tuổi lên 10, tôi tự mua vật dụng bên ngoài như giấy dán tường, màn, thảm… để tự trang trí nhà cửa. Bạn bè tôi đến chơi, ai cũng phấn khích.

Nhưng dường như con đường học vấn của anh lại không liên quan đến ngành thiết kế nội thất?

Tôi học thiết kế thời trang 4 năm rưỡi. Sau khi tốt nghiệp, tôi làm việc như một “fashion stylist” và “fashion photographer”. Rồi, tôi quyết định mở một Art Gallery để bán tranh. Với khiếu thiết kế nội thất bẩm sinh, tôi trang hoàng mọi thứ trong phòng tranh sao cho đẹp mắt và thoải mái nhất có thể. Tôi nhớ, trong số rất nhiều người ghé thăm thì có một khách hàng đặc biệt, bằng cách nào đó, ông ta đã mở cánh cửa thiết kế nội thất để tôi dấn thân vào.

Với trí tò mò, ông ta chỉ vô những chiếc ghế mà tôi sắp xếp với mục đích làm chỗ nghỉ ngơi cho khách: “Tôi mua cả bộ bàn ghế này được không?” Lúc ấy, tôi khá bối rối: “Thưa ông, ở đây chỉ bán tranh”. Sau khi nói chuyện với người đàn ông này một lúc, tôi mới biết rằng ông ta mê mẩn nội thất trong phòng tranh này và năn nỉ muốn mua luôn cả bộ bàn ghế. Sau cùng, tôi vui vẻ chấp thuận.

Sau khi về nhà bàn bạc với vợ, ông ta quyết đến phòng tranh của tôi một lần nữa. Lúc này, người đàn ông ấy muốn tôi trưng bày lại đồ nội thất trong nhà mình. Đôi vợ chồng tỏ vẻ ưng ý với kết quả cuối cùng, họ lập tức đưa ra một đề nghị mới là thiết kế nội thất cho khách sạn ở Hamburg. Lúc ấy, tôi mới biết thì ra ông ta là chủ sở hữu của khách sạn này được 5 năm rồi.

Mối nhân duyên kỳ lạ ấy đã đưa tôi đến với nghề thiết kế nội thất, và khiến tôi tin vào khả năng đã bộc lộ từ nhỏ này của mình chứ không dừng lại ở sở thích đơn thuần. Sau đó, tôi lập tức biến phong tranh trở thành showroom nội thất đầu tiên của mình tại Hamburg.

Tôi nhận thấy, màu sắc vương giả luôn xuất hiện trong những công trình nổi tiếng mà anh thiết kế, từ Villa Bason, Villa Lucas, Villa Sala đến The George Hotel hay Elmar Apartment. Phải chăng điều này được ảnh hưởng từ thế giới thời trang cao cấp mà anh đã từng có thời gian gắn bó?

Tôi học thiết kế thời trang 4 năm rưỡi nhưng so với thiết kế nội thất, tôi dường như là một tay mơ trong nghề. Vì khi thiết kế nội thất, tôi không phải vắt óc suy nghĩ quá nhiều, trong vòng một phút, tôi có thể lập tức nghĩ ra ý tưởng nhưng riêng thiết kế thời trang, có khi ngồi hàng giờ trước tờ giấy trắng mà tôi vẽ hoài không ra. (cười)

Sang trọng vượt lên cả sự đắt tiền. Vì đắt tiền chưa chắc đã sang trọng. Sự sang trọng đến từ phong thái và thần thái nhiều hơn.

Từ khi bước vào nghề thiết kế nội thất, tôi cũng thí nghiệm đủ loại, nhưng bất cứ công trình nào mà tôi đã xắn tay áo lên làm đều mang tinh thần sang trọng. Những gì bạn biết về thiết kế cổ điển, tân cổ điển hay hiện đại… đó là xu hướng đi chung chứ không phải phong cách. Vì cho dù lựa chọn xu hướng nào, bạn đều có thể biến nó thành công trình đậm phong cách sang trọng.

Sang trọng vượt lên cả sự đắt tiền. Vì đắt tiền chưa chắc đã sang trọng. Ví như, khi khoác lên người những trang phục hàng hiệu của Gucci, Versace, Chanel… bạn chưa hẳn đã xuất hiện một cách sang trọng. Sự sang trọng đến từ phong thái và thần thái nhiều hơn. Nhiều người thiết kế nội thất theo xu hướng cổ điển mà thành phong cách sến.

Ai ai cũng muốn sở hữu một ngôi nhà hiện đại và tiện nghi. Nhưng khi nói đến thiết kế nội thất, hẳn là người ngoài cuộc sẽ không biết những yếu tố quan trọng nào cần ưu tiên cho mái ấm của mình. Anh Thái Công có gợi ý gì?

Trong thiết kế nội thất, tôi nghĩ chủ nhà không thể không ưu tiên 5 điều quan trọng này.

Thứ nhất là mùi thơm. Vào một ngày đẹp trời, khi ngửi thấy hương nước hoa của người bạn trai và bỗng chốc bạn nhớ đến hương thơm quen thuộc này đã từng xuất hiện ở đâu đó. Người ta gọi đó là “déjà vu”. Con người ta có trí nhớ rất tốt về mùi thơm. Hương thơm đánh thức giác quan và khiến ta nhớ về ký ức. Tương tự, trong ngôi nhà của mình, mùi thơm là yếu tố tiên phong vì một mùi hương gây phiền não cũng sẽ hủy bỏ toàn bộ không gian sang trọng.

Có thể bạn không tin nhưng đứng ở ví trí thứ hai là âm thanh. Lúc nãy, chúng ta ngồi đây và ai đó đã mở một bản nhạc disco. Tôi thấy không phù hợp nên đã bảo nhân viên chuyển sang bản piano dễ chịu này. Âm thanh mang đến cảm xúc mãnh liệt vô cùng. Nếu bạn đang buồn, bạn nghe bản nhạc piano này, có thể bạn sẽ buồn hơn. Nhưng nỗi buồn cũng là một sự thú vị đúng không nào, chứ không hẳn niềm vui mới mang đến sự thú vị.

Thứ ba, ánh sáng cực kỳ quan trọng. Ngay khi bước vô căn phòng này, nếu ánh sáng phát ra như ánh sáng ở siêu thị thì không ổn chút nào. Ánh sáng phải đặc biệt tôn vinh người trong phòng. Tôi gọi đó là “ánh sáng sexy”. Nếu bước vô một ngôi nhà, ánh sáng tỏa ra khiến thân thể của bạn không được tôn vinh, bạn sẽ nhanh chóng mất đi nguồn cảm hứng. Ánh sáng nên trầm ấm, không chiếu thẳng vô mặt bạn hay không được chiếu thẳng lên đầu. Ánh sáng tốt nhất là ánh sáng ở xung quanh bạn.

Thứ tư là vật liệu. Sau khi đi từ các giác quan như khứu giác, thính giác và thị giác, bây giờ chúng ta sẽ chuyển qua xúc giác. Vật liệu trong căn phòng này tạo nên xúc giác trong con người bạn. Thí dụ, bạn đang ngồi lên ghế da thiên nhiên, bạn sờ vào nó, bạn sẽ cảm nhận được dường như có một luồng điện nhẹ nhàng chạy qua người bạn. Bạn cảm nhận được sự êm ái và dễ chịu của vật liệu này. Vật liệu sang trọng vượt qua vật liệu đắt tiền ở chỗ này. Nó không hề lòe loẹt ở dáng vẻ bên ngoài.

Cuối cùng là tỷ lệ nội thất và gần như, chỉ những người làm thiết kế nội thất chuyên nghiệp mới có thể cảm nhận đúng điều đó. Ví dụ, tôi đang ngồi trên chiếc ghế da này, và tỷ lệ chiếc ghế khiến tôi đẹp hơn trong tư thế đó. Nếu lưng ghế dài hơn, ngã sâu hơn, tôi và ghế như hai thứ đang cạnh tranh ai đẹp hơn ai. Cái ghế là thứ phục vụ mình, chứ mình không phục vụ cái ghế. (cười).

Mỗi công trình anh thiết kế đều có câu chuyện riêng, nhưng bằng cách nào để giữ cho mỗi câu chuyện riêng ấy phù hợp với phong cách sang trọng mà anh hướng tới?

Công việc của tôi cũng như một chuyên gia pha chế rượu. Tôi biết rằng mình có một gu uống rượu khác với những khách hàng mà tôi tư vấn cho họ. Nhưng bằng sự thấu hiểu mong muốn của khách hàng cộng thêm kiến thức về rượu của mình, tôi có thể tư vấn cho khách một ly rượu ngon phù hợp với tâm trạng và cá tính của họ.

Tương tự, đối với mỗi công trình, tôi cần làm việc và nói chuyện với chủ nhà để có thể cảm nhận được ngôi nhà như thế nào thì phù hợp với họ. Hơn nữa, tôi cũng lựa chọn khách hàng kỹ, ai phù hợp, tôi mới đồng hành.

Anh nói anh là người kỹ lưỡng trong việc lựa chọn khách hàng. Vậy hẳn anh cũng có “cái kỵ” của riêng mình?

Điều tôi kỵ nhất trong thiết kế nội thất là sến súa, tức là những vật dụng không đem đến lợi ích cho các thành viên trong gia đình. Mà nó đơn thuần đóng vai trò biểu diễn, và sự xuất hiện của nó trở nên lòe loẹt thay vì phù hợp. Chẳng hạn, nếu bạn sắp một bàn ăn cho 12 người hay 24 người nhưng chẳng ai ngồi vào đó, nó chỉ đơn thuần là vật trưng bày và khiến gian phòng trở nên chật chội.

Thành đạt gắn liền với hạnh phúc, Thái Công đã đạt được sự cân bằng này như thế nào?

Tôi học cách nói “không”. Muốn thành đạt và hạnh phúc, bạn bắt buộc phải học cách nói “không” với một số công việc. Tôi đã từ chối nhiều công trình, dù công trình ấy có thể mang đến cho tôi tiếng tăm nhiều hơn nhưng vì nhìn thấy sự mệt mỏi trong đó, tôi đã chấp thuận việc buông bỏ.

Câu thần chú để đạt được hạnh phúc của tôi là biết cái gì đủ cho mình. Có nhiều người hỏi tôi rằng tại sao không mở thêm chi nhánh ở Hà Nội hay Đà Nẵng, tôi bảo tôi thấy đủ rồi. Tôi muốn công việc của mình lúc nào cũng phải thú vị, nhưng khi công việc quá tải, nó không còn thú vị nữa.

Đối với tôi, thành đạt đi liền hạnh phúc cần 5 yếu tố: sức khỏe, tình yêu, đam mê, tự do tài chính và cuối cùng là bạn bè, gia đình.

Vừa trở về sau chuyến du lịch trên du thuyền ở Hy Lạp, và được biết tới đây, anh còn ghé thăm nước Mỹ, tôi thật sự tò mò về phong cách lãnh đạo của anh. Làm sao anh có thể giữ cho mọi công việc luôn ổn thỏa như vậy?

Khi ở showroom này, tôi ăn cùng nhân viên của mình ở nhà hàng Thái Công bên cạnh. Tôi muốn toàn bộ nhân viên phải có bữa trưa nóng hổi và sang trọng. Thi thoảng, tôi cùng nhân viên du lịch chung, tôi cũng vừa cùng hai nhân viên sang Ý, tiếp tới là Pháp. Tôi dẫn cả đầu bếp sang Bangkok, ăn ở nhà hàng sao Michelin để học hỏi thêm kinh nghiệm. Tôi muốn tạo nên môi trường làm việc đoàn kết với nhau và nhân viên có cuộc sống trải nghiệm tự do giống như tôi.

Nếu người sếp không tin tưởng nhân viên, anh ta mãi mãi không thể tự do.

 

Có 3 sự tự do mà tôi luôn hướng đến: tự do về suy nghĩ, tự do thời gian và tự do địa điểm. Giá trị mà tôi hướng đến cũng đã trả lời cho phong cách lãnh đạo mà bạn đã hỏi.

Tôi quan sát thấy trên tay anh là chiếc đồng hồ Rolex, phải chăng đây là nhãn hiệu mà anh đặc biệt yêu thích?

(Cười). Quả thật, từ trước đến nay, tôi chỉ xài một nhãn nhiệu đồng hồ duy nhất là Rolex. Tôi mua chiếc Rolex đầu tiên vào năm tôi tròn 19 tuổi. Đây cũng là nhãn hiệu đồng hồ huyền thoại của Thụy Sĩ. Tôi có “tật” là không bao giờ tháo đồng hồ, trừ khi đi ngủ. Tôi quan niệm không đeo đồng hồ cũng như không mặc quần áo khi ra đường vậy.

Rolex đặc biệt ở chỗ là ngoài đồng hồ, nhãn hiệu không sản xuất sản phẩm nào thêm. Họ chuyên về đồng hồ và tôi trân trọng điều đó.

Một điều bất ngờ là Thái Công luôn xuất hiện với những bộ vest sang trọng giữa đám đông. Hẳn đây không phải ngẫu nhiên?

Áo vest là trang phục căn bản của người Âu châu. 15 tuổi, tôi đã mặc áo vest. Tôi quan niệm, đối với người đàn ông, áo vest và áo sơ-mi phải đi liền với nhau. Áo vest không đơn thuần đóng vai trò thời trang mà còn là chiếc áo bảo vệ.

Trong 20 năm nay, tôi thường may áo vest bespoke ở một tiệm tại Hồng Kông vì tuýp người của tôi khá nhỏ. Khi về Sài Gòn, thật may vì tôi đã tìm được một thương hiệu may đo vest cao cấp là Cao Minh Sài Gòn.

Là một người am hiểu về vest như vậy, anh có thể gợi ý một vài cách “mix-match” bộ vest sang trọng với các phụ kiện khác?

Áo vest mặc vừa và đẹp rất khó. Nếu áo vest không thuộc về bạn, bạn sẽ có những hành động không thoải mái.

Ở tay áo vest của tôi có 4 nút nhưng có một nút không gài, không phải tạo nên sự thoải mái mà đó là luật lệ. Đây là biểu tượng của áo vest bespoke, là sản phẩm may đo riêng cho tôi. 4 nút này hoàn toàn có thể tháo ra được, thể hiện sự cầu kỳ của quá trình chế tác bằng tay. Nhưng nếu bạn mua sẵn ở tiệm, 4 nút này không mở được.

Để xuất hiện lịch lãm và sang trọng, giày là yếu tố quan trọng vượt lên trên bộ vest mà bạn đang trưng diện. Tôi thường chọn những đôi giày da nâu vì chúng dễ phối đồ hơn giày đen. Chẳng hạn, với bộ vest xanh mà tôi đang mặc, nếu kết hợp với đôi giày đen, trông tôi nặng nề hơn nhiều. Màu vớ chân cũng thường trùng với màu vest và đôi vớ mà tôi đang mang bằng chất liệu lụa và dài để khi ngồi, làn da chân của tôi không bị lộ ra. Mỗi người đàn ông nên có ba đôi giày căn bản: giày đen, nâu nhạt và nâu đậm.

Áo vest mặc vừa và đẹp rất khó. Nếu áo vest không thuộc về bạn, bạn sẽ có những hành động không thoải mái.

Cà vạt không quan trọng lắm, đặc biệt ở châu Âu. Khi tháo cà vạt đi, trông bạn trở nên “sporty” hơn. Khi không cài cà vạt, bạn không bao giờ được gài áo sơ-mi đến tận nút trên cùng mà nên mở ra từ một đến hai nút.

Thái Công là một người đi du lịch nhiều và hẳn cũng khá kỹ tính trong việc chọn khu nghỉ dưỡng và nhà hàng?

Khi trở về Việt Nam, tôi đi nghỉ dưỡng hầu hết các khu nghỉ dưỡng 5 sao, nhưng tôi đặc biệt yêu thích Amanoi Vĩnh Hy từ phong cách cho đến địa điểm. Còn về nhà hàng, bạn có thể ghé đến Square One ở Park Hyatt Saigon. Tôi đã đến đó và thực sự rất thích không khí lẫn thực đơn.

Gu ẩm thực của tôi là lựa chọn những món ăn “thật thà” nhất. Nghĩa là đồ ăn phải thật tươi, làm phải thật đơn giản vì tôi rất kỵ ăn các món xào rán. Khi nguyên liệu tốt, bạn không cần chế biến phức tạp. Vật liệu càng tốt bao nhiêu, bạn mới có thể làm món ăn đơn giản bấy nhiêu. Món ăn đơn giản mà ngon bao nhiêu, vật liệu phải cầu kỳ bấy nhiêu. Chẳng hạn, với tôi, tôm hùm ngon nhất là khi luộc hoặc hấp để chấm với muối tiêu chanh.

Cám ơn anh vì đã chia sẻ câu chuyện hết sức thú vị!

Nguồn: http://luxuo.vn/lifestyle/luxuo-life-tro-chuyen-cung-ntk-noi-that-quach-thai-cong.html

OTHERS
The Tastemaker – Người định hình phong cách
ELLE ECORATION  |  16 Dec 2024
SỐNG MỘT ĐỜI DUY MỸ
PORTFOLIO VIETNAM  |  26 Apr 2023
Thái Công Tower: Xa hoa một cách duy mỹ
ELLE DECORATION  |  16 Mar 2023
PERSONALISED AND POIGNANT  PERFECTION
Metropolitan Magazine, Malaysia  |  27 Oct 2022
Eastern Sensibilities
Robb Report, Singapore  |  26 Oct 2022
House Tour: This luxe Vietnam penthouse is a WFH dream
Home Decor, Singapore  |  25 Oct 2022
Bản giao hưởng cổ điển và hiện đại
Harper's Bazaar  |  06 May 2019
Penthouse cảm hứng đương đại
ELLE Decoration  |  18 Dec 2017
Online Shopping Book an appointment